Các em học sinh thân mến!
Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa.Bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của chúng ta. Bệnh lây lan tương đối nhanh và có thể thành đại dịch.
1. Nguyên nhân, triệu chứng bệnh:
a. Nguyên nhân:
Nguyên nhân của Đau mắt đỏ thường là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc do dị vật… Mặc dù đau mắt đỏ gây kích thích mắt nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh.
b. Triệu chứng:
– Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt có nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt.
– Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt.
– Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
– Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.
2. Đường lây bệnh:
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua:
– Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều mầm bệnh;
– Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật và đồ dùng cá nhân của người bệnh;
– Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi;
– Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng;
– Những nơi có mật độ người đông rất dễ lây bệnh.
3. Phòng bệnh đau mắt đỏ:
Vệ sinh cá nhân tốt là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan bệnh Đau mắt đỏ. Khi bị Đau mắt đỏ hoặc nghi ngờ bị Đau mắt đỏ người bệnh cần thực hiện các bước sau:
– Không dụi mắt bằng tay;
– Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, điều này rất quan trọng;
– Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối;
– Không giặt chung quần áo, ga giường, khăn tắm với đồ dùng cá nhân của người khác;
– Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa;
– Rửa tay sau khi tra thuốc mắt;
– Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn;
– Tránh tập trung đông người khi đang có dịch bệnh Đau mắt đỏ.
Bệnh Đau mắt đỏ rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Có những thể bệnh nguy hiểm cần điều trị gấp, nhưng cũng có thể bệnh nhẹ chỉ thoáng qua mà không cần điều trị. Quan trọng là chúng ta phải biết cách nhận biết những dấu hiệu để chẩn đoán đúng nguyên nhân, điều trị thích hợp và phòng bệnh tốt nhằm tránh những tổn hại về sau.
Một số hình ảnh tuyên truyền tại trường THCS Tân Công Sính: