Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh
1. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh:
Bệnh dại chủ yếu lây từ các con vật nuôi sang người như: Chó, mèo hoặc có thể là các loài động vật hoang dã như: dơi, chó sói, chó, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Sau khi bị chó, mèo dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 01 – 03 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
2. Các biểu hiện của bệnh:
Người mắc bệnh dại có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính nổi trội bởi các triệu chứng kích động như: Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt) tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 07 – 10 ngày.
3. Đường lây truyền:
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật mắc dại lên trên da bị tổn thương.
4. Các biện pháp phòng chống bệnh Dại:
– Hạn chế nuôi chó
– Tiêm phòng vắc xin dại cho chó
– Chó nuôi phải xích, nhốt
– Chó ra đường phải có rọ mõm
– Người bị chó, mèo nghi bị dại cắn phải đi tiêm phòng sớm và đầy đủ
– Không nên điều trị thuốc nam khi bị chó, mèo nghi bị dại cắn
– Trường hợp người có nguy cơ cao với vi rút dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực có lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, Trung tâm Y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại.
– Đối với người bị vi rút dại như bị chó, mèo nghi dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh, cần đến ngay Trung tâm Y tế huyện hoặc các Trạm Y tế xã, Thị trấn để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin Dại càng sớm càng tốt.
– Đối với động vật bị dại, gia đình cần phối hợp cơ quan thú y, chính quyền địa phương diệt ngay chó hoặc động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng ổ dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại. Không được vận chuyển đưa chó mèo ra, vào vùng có dịch. Những người trực tiếp làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.